Cuối cùng, chúng tôi đứng lên để chào tạm biệt và đi thăm gia đình khác, họ niềm nở rối rít cám ơn chúng tôi đã mang niềm vui đến cho họ.

Chúng tôi đi sâu hơn, một ngôi làng với những mái ngói đỏ và nhà xây hiện lên. Kia có một ngôi làng nhìn nhà cửa khang trang chắc không có đạo rồi. “Đi thăm họ thử xem sao”. Đi xa hơn một chút, chúng tôi thấy một đám người đang ngồi ở nhà rông, vừa thấy chúng tôi họ lên tiếng “Mấy bà Yá đi ra khỏi làng chúng tôi ngay, chúng tôi biết rõ là các Yá, chúng mày không ra khỏi làng là coi chừng bọn tao đánh chết tụi mày đó”.

“Thôi mình về các em nhé, đừng đi vào làng này nữa, họ không đón tiếp chúng ta” Chị Maria quyết định.

Tôi nài nỉ: “Chị ơi, hay tụi mình thử ghé vào ngôi nhà đầu tiên xem sao? Biết đâu mình nói chuyện được với một gia đình rồi mình sẽ nói được với cả làng?”

Chúng tôi tiến thêm mấy bước vào ngôi nhà đầu tiên của làng. Đám người trong nhà rông đứng lên chống nạnh, có người tay cầm gậy gộc chỉ thẳng vào chúng tôi “Chúng mày có tin bọn tao đánh chết chúng mày không?”

Ngay lúc ấy chúng tôi quyết định “Có lẽ chúng ta không nên mạo hiểm vào thăm ngôi làng này, mình về thôi, đi thăm những ngôi làng đón tiếp chúng ta” Chúng tôi vội vàng trở về để lại đằng sau những tiếng cười chế diễu của dân làng.

Tôi lại nhớ câu Tin Mừng mà Chúa Giê-su dạy “Đến nhà nào mà họ đón tiếp anh em thì bình an sẽ ở lại nhà đó, nhà nào không đón tiếp thì anh em hãy phủi bụi chân lại cho nhà đó” Nghĩ tới cảm giác của các môn đệ như thế nào khi bị từ chối và bị đuổi đi, tôi cũng bắt chước lấy chiếc giày bitis nhuộm đất đỏ của mình giũ giũ bụi xuống đất, rồi lặng lẽ rời đi…

Có lẽ không phải Chúa Giêsu bảo tôi phải giũ bụi đất bám vào gót chân lại, nhưng hơn hết là giũ bỏ đi “lớp bụi trong lòng”. Sự luyến tiếc vì đã thất bại trong cuộc đời truyền giáo. Nỗi buồn vì thất bại! Rồi cũng phải phủi đi hết lớp bụi đó, vì “Ai không đón tiếp anh chị em, là không đón tiếp Thầy”. Tôi cảm nhận như có tiếng nói an ủi của Thánh Phêrô, Gioan và Philipphê bên tai: “Đừng luyến tiếc, buông đi nhé! Hồi xưa chúng tôi cũng có những lúc bị thất bại còn tệ hơn con bây giờ!”

Lúc về lại làng Kon Đào, tôi hỏi thử chú Yaofu “Tại sao chú và dân làng không bỏ Chúa để được ở nhà đẹp, có con xe máy, có đường nhựa thoải mái? Sao chú lại trung thành theo đạo và giữ đạo làm gì?”

“Chúng con không cần nhà, không cần giàu có, chúng con theo Chúa, chịu khổ như Chúa, thì mai sau chúng con sẽ được lên thiên đàng. Mà chúng con theo Chúa thấy sướng cái bụng lắm” (Tôi hiểu ý của chú Yaofu nghĩa là theo Chúa thấy hạnh phúc trong lòng”) Tôi rất cảm kích trước câu trả lời của chú.

Ngày chào tạm biệt mọi người để trở lại Sài Gòn, tôi và dân làng đã khóc rất nhiều vì chắc chắn ai cũng biết rằng đây là cuộc gặp gỡ duy nhất một lần trong đời.

Trên chuyến xe chú Yaofu đưa tôi trở lại Tòa Giám Mục, chú khoe với tôi: “Yá ơi, sang năm cán bộ sẽ làm đường cho chúng con để chúng con đi lại dễ dàng hơn”.

Tôi mừng rỡ: “Ô, vậy thì tốt quá chú ơi! Dân làng sẽ không còn vất vả trèo đèo lội suối nữa. Con chúc mừng mọi người nhé!”

Tôi thấy chú im lặng trầm ngâm một chút, rồi tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe câu trả lời của chú Yaofu “Dạ con không thích có đường mới đẹp và dễ dàng đâu Yá!”

“Ủa, tại sao vậy chú? Có đường mới phải vui chứ sao nhìn chú buồn vậy?” Tôi thắc mắc.

Chú trả lời: “Vì khi có đường đi dễ dàng, các Yá sẽ không trở lại đây thăm chúng con nữa. Các Yá chỉ thích đi những chỗ nghèo và có đường khó đi thôi!”

Câu trả lời của chú đánh động tâm hồn tôi, họ không chú trọng đến nhu cầu và lợi ích cho mình, nhưng họ trân trọng tình cảm con người. Họ quý mến các cha, các sơ và những nhà truyền giáo đến nỗi họ không cần thứ gì ngoài sự hiện diện của chúng tôi. Vì trong lòng họ luôn nghĩ rằng “Chúng con gặp được các Bok (cha) và các Yá (sơ) là chúng con thấy Chúa rồi!”

***

Vậy đó, rồi một tháng đã trôi qua. Tôi được trải nghiệm đầu đời truyền giáo như thế: Ban ngày chúng tôi tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc, thăm viếng từng gia đình, ban đêm chúng tôi cử hành nghi thức phụng vụ, chia sẻ Lời Chúa và sinh hoạt với đám trẻ trong xóm. Trong gần một tháng, hai chị em thăm viếng và khám chữa bệnh được 11 ngôi làng: Đắk Man, Đắk Môn, Đắk Nhoong, Kon Đào, Ngọk Tụ, Đắk Choong, Đắk Kroong, Đắk Long, Ngọk Linh, Đắk Rơ Nga, Đắk Trăm.

Tôi đã có rất nhiều trải nghiệm thú vị nơi đây. Có những chi tiết nhỏ không thể nào viết hết được, nhưng tôi xin kể lại một vài chuyện mà tôi đã vượt qua được chính bản thân mình để trở thành một người như họ và sống giữa họ.

Sr Margaret Giang Pham, RNDM

(Kỷ niệm những ngày thực tập truyền giáo thờiTập Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo tháng 7/2011)