I.              MỞ ĐẦU

Nào ai dong ruổi đường xa.

Lênh đênh đầu sóng, ngã ba sông dài.

Nào ai nặng gánh đôi vai.

Trăm năm là những miệt mài phù sinh.

Về đây, chầu lụy muôn kinh.

Con tin, lạy Chúa! con tin vững vàng.

Đây là Thánh Thể cao siêu,

và đây nhiệm tích tình yêu đất trời.

Chảy từ nguồn mạch Ba Ngôi,

Để nên sông suối dưỡng nuôi xác hồn.

( Trích thơ Đình Bảng – bài hát ôi nhiệm tích tình yêu)

Hát:  Chúa vẫn ngự đây – CTT 70

 

II.            CÔNG BỐ LỜI CHÚA  Lc 10,1-12.17-20

 

III.         SUY NIỆM

        “Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai người khác và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” ( Lc 10,1). Đức Giêsu “chỉ định”“sai đi” những môn đệ mà Người đã tuyển chọn, và họ sẽ lên đường với tư cách là những sứ giả đi trước Người, đến những nơi mà chính Người sẽ đến. Nhiệm vụ của họ không phải là chuẩn bị một chỗ nghỉ chân cho Người, mà là chuẩn bị cho một biến cố Đức Chúa đến trong nước của Người. Họ sẽ công bố“Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”( Lc 10,9).

         Đó cũng là sứ mạng của mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu không chỉ đào tạo bằng cách dạy dỗ thôi, nhưng còn giao nhiệm vụ cho các ông nữa. Đúng vậy, “không có một ơn gọi khép kín và sống cho riêng mình. Lên đường là cách tốt nhất để sống và làm triển nở ơn gọi mà Chúa đã đặt vào cuộc đời của người được gọi” (Trích Lạy Chúa! Ngài đã quyến rũ con- Cao Gia AN SJ).

 

Hát : Đem Tin Mừng - Tccđ. 165

 

        Đòi hỏi của sứ mạng thật gắt gao, thúc giục người sứ giả phải ở trong thái độ từ bỏ liên lỉ và hoàn toàn phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Vì thế khi sai các môn đệ lên đường, Chúa Giêsu đã đưa ra những chỉ thị rõ ràng: Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.” (Lc10,4). R Meynet giải thích: “Người được sai đi chỉ có bạn đường đã được chỉ định cho anh, vừa là trợ thủ vừa là gánh nặng. Họ phải chờ đợi tất cả, nhận lãnh tất cả từ người khác,có khi là nơi trú ngụ và bữa ăn, có khi là chửi rủa và vết thương do chó sói cắn. Họ hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của người khác. Và đồng thời, họ cũng được khuyên nhủ, lấy tâm tình cầu nguyện đặt mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa.

 

        Thật vậy, trong cách sống nghèo khó như thế, các sứ giả Tin mừng cụ thể hóa lý tưởng hòa bình mà họ muốn công bố và làm chứng. Họ cho thấy mình không thuộc vào tập hợp những kẻ giàu có và quyền thế, nhưng thuộc về những người nghèo và những người con của sự bình an.

     Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát,không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết nói Tin Mừng với niềm vui,như người tìm được viên ngọc quý,biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

     Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen. (Rabbouni).

 

Hát : Đường con đi - Tccđ.  201

 

     Sứ mạng của họ được đồng hóa với sứ mạng của Đức Giêsu là “loan báo nước Thiên Chúa đã gần đến”. Thánh Luca là người có tầm mắt quốc tế, có lẽ ông đã nghĩ đến một ngày mà mọi nước trên thế giới này sẽ nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu như ông đang yêu mến. Thật vậy, sứ mạng của Chúa Kitô cứu thế được trao phó cho Giáo Hội vẫn đang còn dang dở. Nói cách khác, cánh đồng của Chúa thì bao la nhưng vẫn còn thiếu nhiều thợ gặt lành nghề (Lc10,2). Tại sao vậy? phải chăng sứ mạng truyền giáo chưa cuốn hút hoặc khó thực thi? Phải chăng Giáo Hội thiếu nhân sự, thiếu chiến lược, thiếu sự cộng tác giữa các tín hữu và mục tử, thiếu sự đào tạo bài bản, thiếu nhiệt huyết truyền giáo…? Vâng, dù lý do gì chăng nữa, truyền giáo luôn là việc làm cần kíp và cấp bách vì Chúa căn dặn: “Đừng chào hỏi  ai dọc đường!” ( Lc10,4). Như vậy, truyền giáo là sự sống còn của Giáo Hội và là bản chất của mọi Kitô hữu. (Thinh lặng 2s).

     Là một Kitô hữu, đặc biệt là một nữ tu thừa sai tương lai tôi đã sống sứ mạng truyền giáo như thế nào? Tôi đã nỗ lực đổ nền căn tính ra sao để thực sự trở thành một tay thợ lành nghề? (Thinh lặng)

  Truyền giáo là một hành trình dài dẳng và đòi hỏi sự bền bỉ cũng như chiến lược rõ ràng, là niềm vui và hân hoan của người được Chúa sai đi. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên: “không được giảm bớt nỗ lực rao giảng Tin Mừng cho những người ở xa Đức Kitô, bởi vì đây là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Thánh” (Trích cẩm nang trên đường loan báo Tin Mừng- nhóm Biên soạn SJVN).   

 

Hát: Lời nguyện truyền giáo – Tccđ. 200

 

“Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói (Lc 10,3b). Chúng ta đi như chiên con vào giữa bầy sói. Thật vậy, chúng ta chẳng thể lấy sức đọ sức, lấy mưu đối mưu. Nhưng khí giới của ta là khí cụ bình an. Là những sứ giả của Chúa, chúng ta được lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chắc chắn rằng, trong khi thực thi sứ mạng, chúng ta sẽ phải đối diện với biết bao thử thách, gian truân và sự chống đối…Khi đối diện với những thử thách đó, chúng ta có can đảm đi đến cùng trong hành trình đi bước trước để dọn đường cho Chúa không? Đứng trước sự chống đối của người khác, cách đáp trả của chúng ta là gì? Rút lui hay dấn thân đi bước trước ? có khi nào chúng ta tìm cách xa lánh, tránh né những người mà chúng ta được sai đến vì sợ phiền phức không? Chính Đức Giêsu đã chỉ cho ta cách để đến với tha nhân là đối xử với mọi người với lòng thương xót, hiền lành, chịu đựng mọi thiếu thốn bất an. Như thế truyền giáo là gì nếu không phải là thể hiện rõ nét gương mặt tình yêu của Thiên Chúa?  

 

Hát : Chứng nhân tình yêu – Tccđ.  86 (hát câu 1,3,4)

 

 “Thầy đã ban cho các con quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà  chẳng có gì làm hại được các con. Tuy nhiên các con chớ vui mừng vì quỷ thần phải quy phục các con, nhưng  hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời” ( Lc 10,19-20). Như vậy, Chúa Giêsu thúc đẩy các ông không chỉ dừng lại ở niềm vui của  thành công mà các ông đã đạt được, nhưng biết hướng đến niềm vui cao hơn, những ước muốn hướng thượng. Đúng vậy, nhiều lúc chính chúng ta cũng hay dễ bị rơi vào tình trạng như các môn đệ hôm nay, thích ở lại trong những thành công, lời khen, niềm an ủi và những niềm vui chống qua, mà quên đi ơn lớn lao hơn mà mình nhận được là được kết hợp và đụng chạm đến Chúa thực sự. “hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”. Vì bí quyết để được ghi tên trên trời là phải nỗ lực cộng tác với Đức Giêsu trong việc xua đuổi ích kỷ, hận thù, đố kỵ và thế lực satan khỏi tâm hồn, cộng đoàn, gia đình, khu xóm và xứ đạo…

Trong thinh lặng, chị em hãy xét xem, tôi đã làm gì để đẩy lùi luồng khí của sự dữ tại cộng đoàn tôi? Tôi đã chiến đấu xua đuổi satan khỏi tâm hồn tôi như thế nào?  ( Thinh lặng)

 

Hát :  Sống trong niềm vui – Tccđ. 80

 

IV.         KẾT THÚC

         Lạy Chúa Giêsu, chúa sai chúng con lên đường với một tâm hồn thanh thoát và nhẹ nhàng, xin giúp chúng con không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng thần khí và sức sống của Ngài, để chúng con biết rao giảng về Chúa không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Rabbouni)

 

Hát :   Tình Chúa thương con – CTT 72

 

Maria Y Lan

Tập sinh dòng Đức Bà Truyền Giáo